Kinh nghiệm xanh hóa nền kinh tế ở Châu Âu cần học tập

Kinh nghiệm xanh hóa nền kinh tế ở Châu Âu cần học tập​Con người khai thác các nguồn tài nguyên và chuyển đổi chúng thành thực phẩm, các công trình xây dựng, đồ nội thất, thiết bị điện tử, quần áo…

Tuy nhiên, việc khai thác các nguồn tài nguyên đã và đang vượt quá so với khả năng tái tạo và cung cấp của môi trường. Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo một cuộc sống bền vững cho xã hội? Xanh hóa nền kinh tế có thể là một giải pháp hữu hiệu.

Kinh nghiệm xanh hóa nền kinh tế ở Châu Âu cần học tập


Khi các nền kinh tế phụ thuộc vào môi trường

Hoạt động của một nền kinh tế phụ thuộc vào một loạt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và vật liệu như: gỗ, nước, hoa màu, cá, năng lượng, khoáng chất... Sự gián đoạn trong việc cung cấp các nguyên vật liệu chính có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp hàng hóa và dịch vụ.

Do đó, duy trì việc cung cấp nguồn nguyên liệu một cách liên tục đồng nghĩa với khai thác triệt để nguồn tài nguyên cũng như nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, nếu chúng ta làm được điều này thì sẽ tác động lớn tới môi trường. Vì thế vấn đề đặt ra là, chúng ta nên khai thác bao nhiêu để không làm tổn hại đến môi trường?

Trên thực tế, loài người đã khai thác nhiều hơn những gì hành tinh có thể sản xuất hoặc bổ sung trong một thời gian nhất định.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trong hàng trăm năm qua, mức tiêu thụ bình quân trên đầu người của vật liệu toàn cầu tăng gấp đôi, trong khi đó năng lượng tăng gấp ba lần. Và hơn thế nữa, hiện nay có hơn 7,2 tỷ người đạt mức tiêu thụ trên so với dưới 1,6 tỷ vào năm 1900.

Tình trạng khai thác và cách con người sử dụng nguồn tài nguyên đã và đang giảm khả năng tự hồi phục của trái đất như việc đánh bắt quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cá toàn cầu. 

Nhiều cộng đồng ven biển trước đây phụ thuộc vào thủy sản đã chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực khác (du lịch) bởi nếu không đa dạng hóa nền kinh tế, người dân sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Mặt khác, các hoạt động kinh tế đã và đang gây ra một loạt các tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội.

Ô nhiễm không khí, quá trình axit hóa các hệ sinh thái, mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu là những vấn đề môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống con người.

Xanh hóa nền kinh tế và sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả

Để bảo vệ môi trường và duy trì được lợi ích mà nguồn tài nguyên mang lại, con người cần phải giảm số lượng vật liệu tiêu thụ. Điều này đòi hỏi phải thay đổi cách thức sản xuất hàng hóa, dịch vụ và tiêu thụ nguồn nguyên liệu. Hay nói cách khác, chúng ta cần phải hướng tới xanh hóa nền kinh tế.

“Xanh hóa nền kinh tế” hay "Kinh tế xanh" là thuật ngữ thường dùng để chỉ một nền kinh tế mà trong đó các phương thức sản xuất và tiêu thụ được kết hợp hài hòa cùng với sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường.

Nói cách khác, cộng đồng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống trong một xã hội ổn định,bền vững, đồng thời hệ sinh thái tự nhiên được duy trì một cách hiệu quả.

Nhìn nhận một cách toàn diện

Theo kinh nghiệm của châu Âu, chúng ta cũng cần phải xem xét trên toàn bộ hệ thống, bao gồm tất cả các quá trình và cơ sở hạ tầng có mối liên hệ chặt chẽ với nguồn tài nguyên hay hoạt động sản xuất con người.

Ví dụ như, hệ thống năng lượng sẽ bao gồm các loại năng lượng chúng ta sử dụng (than đá, gió, mặt trời, dầu, khí đốt thiên nhiên...), cách chúng ta khai thác hoặc tạo ra năng lượng này (tua bin gió, giếng dầu, khí đá phiến…), lĩnh vực sử dụng (công nghiệp, giao thông, hệ thống sưởi…) và cách phân phối nguồn năng lượng tạo ra.

Đồng thời, các vấn đề khác như các nguồn tài nguyên đất và nước liên quan đến việc sử dụng và sản xuất năng lượng cũng cần được quan tâm.

Tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào

Để sản xuất một loại hàng hóa hay dịch vụ, chúng ta nhất thiết phải có nguyên liệu đầu vào.

Ví dụ, để sản xuất các loại hoa màu, ngoài sức lao động, người nông dân cần đất, ngũ cốc, nước, mặt trời (năng lượng), các công cụ, và trong nông nghiệp hiện đại thì có thêm phân bón, thuốc trừ sâu và các công cụ tiên tiến hơn.

Hay, để sản xuất các thiết bị điện tử, nguyên liệu sẽ là năng lượng, nước, đất đai, vi khoáng, kim loại, thủy tinh, nhựa, đất hiếm, nghiên cứu…

Tại EU, hầu hết các nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất được khai thác nằm trong khu vực.

So với các thập kỷ trước đó,trong thập kỷ vừa qua, nền kinh tế EU tạo ra nhiều sản phẩm trên mỗi đơn vị của nguyên liệu đầu vào (khoáng sản, kim loại…) hơn

Một số nước châu Âu sử dụng nguồn tài nguyên tương đối hiệu quả, năng suất sử dụng tài nguyên được liên kết chặt chẽ với cơ cấu kinh tế của các quốc gia, trong đó, các ngành liên quan đến dịch vụ, công nghệ và tái chế giúp thúc đẩy năng suất sử dụng tài nguyên

Nền kinh tế tròn

Quy trình sản xuất và tiêu dùng không chỉ mang lại hàng hóa và dịch vụ, mà còn sản sinh cả chất thải.

Đó có thể là các chất ô nhiễm thải vào môi trường, hay một phần của vật liệu chưa được sử dụng (gỗ hoặc kim loại), hoặc thức ăn không được tiêu thụ.

Một số chất thải được tái chế hoặc tái sử dụng, còn lại được chuyển đến bãi rác, bãi chôn lấp hoặc lò đốt.

Như vậy, nguồn tài nguyên ngoài được sử dụng để tạo ra hàng hóa và dịch vụ, phần còn lại nếu không được tận dụng thì có nguy cơ cao gây ra các vấn đề về môi trường.

Thuật ngữ "nền kinh tế tròn” hứa hẹn mang lại một hệ thống sản xuất và tiêu dùng mà tạo ra rác thải ít nhất có thể, trong đó rác thải được tái chế một cách hiệu quả.

Nếu như lý tưởng hóa, gần như tất cả mọi thứ sẽ được tái sử dụng, tái chế hoặc thu hồi để sản xuất ra sản phẩm khác.

Để được mục tiêu trên, cần thiết kế lại các sản phẩm và quy trình sản xuất để giảm thiểu lãng phí và biến phần chưa sử dụng của quá trình này làm nguồn nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.

Trách nhiệm của nhà sản xuất và người tiêu dùng

Người tiêu dùng và nhà sản xuất đóng vai trò quan trọng tương đương nhau. Bởi, quá trình sản xuất nhằm đáp ứng những nhu cầu của khách hàng.

Ngoài việc sở hữu các sản phẩm tiêu dùng, cái mà khách hàng thực sự hưởng lợi chính là các dịch vụ do sản phẩm mang lại

Để đạt được điều này, nhà sản xuất phải đưa ra một cách tiếp cận mới về marketing và thiết kế sản phẩm, theo đó ít tập trung vào việc bán hàng mà chuyển hướng sang việc tạo ra các sản phẩm có giá trị sử dụng lâu dài và tái sử dụng được.

Internet và các phương tiện truyền thông xã hội là phương tiện giúp cho con người dễ dàng tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ đi kèm với các sản phẩm tiêu dùng.

Con người không còn bị giới hạn bởi không gian như trước, từ việc mượn dụng cụ, thuê xe hay thiết bị điện tử. 

Ngày nay, ở một số nước EU, người ta có thể mượn quần áo tại các “thư viện quần áo”.

Kết

Bất kỳ biện pháp nào giúp giảm tốc độ khai thác nguồn tài nguyên và giảm lượng chất thải, hoặc để thúc đẩy năng suất nguồn tài nguyên, tái chế và tái sử dụng thì đều hữu ích trong việc làm giảm áp lực đối với môi trường và tăng cường năng lực của hệ sinh thái.

Môi trường càng lành mạnh, chất lượng cuộc sống của loài người sẽ ngày càng được đảm bảo và phát triển bền vững hơn. Do vậy, kinh tế xanh là một hướng đi đúng đắn nếu các quốc gia muốn phát triển toàn diện và bền vững.

(baovedongvathd.blogspot.com) - Kinh nghiệm xanh hóa nền kinh tế ở Châu Âu cần học tập
Kinh nghiệm xanh hóa nền kinh tế ở Châu Âu cần học tập Kinh nghiệm xanh hóa nền kinh tế ở Châu Âu cần học tập Reviewed by Keke on tháng 11 30, 2017 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.